Tại sao cứ đến ngày Lễ là lại phải tặng quà?

Nhân dịp ngày 14/2 sắp đến (sát đến đít rồi, ngay ngày mai rồi các bạn ợ), Chợ Ngôn Tình đột nhiên có một câu hỏi khá là ngu như trên, tại sao chúng ta lại cứ phải tặng quà khi đến dịp Lễ các bạn nhỉ?

Đàn ông thường phải tặng quà cho phụ nữ vào ngày Lễ

Nói ra thì tội, chứ đúng là làm đàn ông cực thật các mẹ ạ. Kể sơ sơ thì có các ngày Lễ sau:

  • Lễ Tình nhân 14/2: lễ này thì 100% đàn ông phải tặng quà cho phụ nữ rồi, còn phụ nữ có tốt bụng tặng lại hay không thì... tùy duyên.
  • Quốc tế Phụ nữ 8/3: lễ này cũng như lễ Tình nhân, đàn ông mà không tặng quà cho phụ nữ thì chịu nghe càm ràm suốt cả năm đi nhé.
  • Tết Thiếu nhi 1/6: ngày này có một số chị em cũng quyết không buông tha cho người đàn ông của mình, rõ ràng là ăn ké con nít nha.
  • Tết Trung thu (rằm tháng 8 Âm lịch): Trung thu là Tết thiếu nhi / Cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều (-_-") Ngày này mà không tặng bánh trung thu cho nàng thì...
  • Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Vâng, lại một ngày nữa dành cho phụ nữ các mẹ ạ, không hiểu sao số đàn ông khổ thế cơ.
  • Lễ Giáng sinh (Noel) 24/12: Là một trong những ngày lễ lớn nhất của năm dành cho các cặp tình nhân (chả hiểu tại sao vậy luôn), Giáng Sinh là dịp sale đậm cuối năm và hầu như người được nhận quà vẫn là... phụ nữ.
  • Ngày sinh nhật: Đây, ngày cực kỳ cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ, món quà được tặng trong ngày này cũng phải đặc biệt hơn hẳn các món quà khác.
  • Ngày kỷ niệm: Hằng hà sa số các ngày kỷ niệm trong năm như kỷ niệm lần đầu tiên gặp nhau, kỷ niệm ngày chính thức yêu nhau, kỷ niệm ngày cưới, kỷ niệm ngày cầu hôn,... ôi mẹ ơi nhiều không sao tả xiết!

Tại sao việc tặng quà ngày Lễ lại trở nên phổ biến như vậy?

Chợ Ngôn Tình có một người thầy là người Canada, và ông vẫn thường than thở rằng ông không tài nào hiểu nổi tại sao người Việt Nam lại thích và thường xuyên tặng/nhận quà như vậy.

Đối với người phương Tây thì quà cáp vào dịp Lễ là một thứ gì đó rất lạ lẫm. Họ sẽ tặng quà khi được mời đến nhà bạn chơi (chủ yếu là đem theo thức ăn hoặc bia rượu để góp vui vào bữa tiệc), họ tặng người thân những món quà mà người đó đang cần hoặc rất thích (khi và chỉ khi điều kiện kinh tế cho phép), hoặc tặng cho nhau những tấm thiệp, những món quà handmade đầy ý nghĩa...

Đặc biệt, phụ nữ ở phương Tây rất coi trọng việc bình đẳng giới, vì thế họ không cần đến những ngày như là Ngày Phụ nữ, vì nó chỉ chứng minh phụ nữ vẫn chưa có vị thế công bằng trong xã hội như là đàn ông.

Thế nhưng tình hình ở các nước Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, lại hoàn toàn khác. Phụ nữ lúc nào cũng than vãn xã hội không công bằng, nhưng đa số bọn họ lại ngại làm việc cực nhọc, không có chí tiến thủ và rất thích NHẬN quà.

Đàn ông nếu không đáp ứng đủ các điều kiện về vật chất sẽ rất khó lọt vào mắt xanh của các cô gái. Nếu họ không tặng quà vào các ngày lễ kể trên, nhẹ thì bị giận dỗi, nặng thì sẽ bị đăng lên mạng bóc phốt và bị vô số các phụ nữ khác chửi mắng thậm tệ. Như "vụ án" chàng trai cầm 100k đi hẹn hò với gái chẳng hạn.

Ở đây Chợ Ngôn Tình không trách phụ nữ hám của, mà là trách cách nuôi dạy con cái ở gia đình và xã hội Việt Nam, trách cách đối nhân xử thế giữa người với người, và trách những hủ tục tệ nạn đã có hàng trăm năm như biếu xén, hối lộ, tham nhũng...

Chợ Ngôn Tình sẽ không nói quá chi tiết vào những lý do này, nhưng dựa vào các so sánh trên đây, hẳn các bạn đã hiểu điều mình muốn nói, rằng văn hóa tặng quà chính là thứ đang kềm hãm sự phát triển của xã hội nói chung và phụ nữ nói riêng.

Những điều nhỏ bé chúng ta có thể làm

Không cần đến đao to búa lớn hay chuyện nước chuyện dân, mỗi người chúng ta đều có thể góp một phần rất nhỏ của mình để làm thế giới đang sống trở nên tốt đẹp hơn.

Đó có thể là việc ngưng nhận quà từ người khác vào những ngày Lễ lộc, tự tin và trân trọng bản thân mình hơn, ngưng những suy nghĩ sống dựa dẫm vào đàn ông, và tập tặng quà cho những người xứng đáng như cha mẹ của bạn mà chẳng cần đến một dịp lễ tết nào cả.

Đừng ham làm một người phụ nữ vạn người mê. Hãy làm một đứa con ngoan cái đã.

- GIANG THƯỢNG NGUYỆT MINH -