Thể loại truyện trinh thám có yếu tố pháp y luôn là một đề tài rất thu hút, nó không chỉ hấp dẫn ở nội dung mà còn hay ở những kiến thức chuyên ngành pháp y thú vị và đặc sắc nữa.

Tuy nhiên so với thể loại trinh thám thông thường, nội dung của trinh thám pháp y có một đặc điểm mà mình luôn cảm thấy đáng tiếc, đó là những nạn nhân trong tất cả các vụ án đều không thể sống lại.

Ơ hay! Đương nhiên người chết thì không thể sống lại rồi, tại sao lại quy hết vào trinh thám pháp y, những truyện trinh thám khác đều như vậy mà!

Xin thưa đúng là như vậy, nhưng:

Trinh thám pháp y luôn bắt đầu bằng cái chết của một ai đó, còn trinh thám thông thường thì chưa chắc

Chắc chắn ai đọc trinh thám nhiều cũng hiểu, đôi khi những câu chuyện chỉ bắt đầu bằng một sự kiện, ví dụ: mất tích, bắt cóc, tai nạn, phóng hỏa, mất đồ… chứ không nhất thiết luôn là cái chết.

Trong những vụ án như vậy, không hẳn sẽ có ai đó chết, họ hoàn toàn có cơ hội được tìm thấy, được cứu thoát, có thể sẽ không có cái chết nào xảy ra và công lý vẫn chiến thắng.

Nhưng một khi đã dính vào trinh thám pháp y, chắc chắn phải bắt đầu bằng một cái chết, vì chỉ khi có người chết chúng ta mới cần đến pháp y.

Những nạn nhân này có thể là người tốt, có thể là kẻ xấu nhưng đáng tiếc chính là khi những người tốt chết đi, sẽ không có bất kỳ cách gì để cứu được họ, chỉ có thể thông qua cái chết của họ để khám phá sự thật cũng như tìm ra hung thủ mà thôi.

Nhiều khi đọc truyện trinh thám pháp y, mình lại thấy vô cùng đau lòng, vì nghĩ đến một câu chuyện mới, đều sẽ có ai đó phải chết và dù là người tốt, người bị hại, người còn trẻ, người còn tương lai và hy vọng, họ vẫn sẽ không thể sống lại được nữa. Điều đó quả thực đáng tiếc.

Sự đáng tiếc còn được thể hiện ở câu chuyện đằng sau những cái chết

Lại là một điều hiển nhiên khác, một khi con người đã chết đi thì câu chuyện đằng sau cái chết của họ luôn là một sự đáng tiếc cho những người còn sống.

Nếu cái chết của ai đó chỉ là một tai nạn, kẻ thủ ác có thể cũng chỉ là một người bình thường đang sợ hãi, và chắc chắn họ sẽ không có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, không có cơ hội để cầu xin sự tha thứ, cả cuộc đời cũng sẽ phải sống trong dằn vặt và đau khổ.

Nếu cái chết của ai đó là vì một sự thù hận, người thân của nạn nhân sẽ không bao giờ có thể khiến cho nạn nhân sống lại, sự đau đớn sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Với những nguyên nhân khác nhau, chúng ta sẽ có những nỗi đáng tiếc khác nhau, những sự đáng tiếc khó có thể thay đổi được.

Tạ sao mình lại nêu lý do này ở đây, chẳng phải bất kỳ truyện trinh thám nào khác cũng đều có sự đáng tiếc như vậy sao?

Đúng vậy, cũng như lý do ở phần trên, chúng ta có thể bắt gặp sự đáng tiếc này trong bất kỳ vụ án nào, nhưng đối với các vụ án của trinh thám pháp y, bạn luôn phải đối mặt với sự đáng tiếc gần như không thể vãn hồi, là sự đáng tiếc đến từ cái chết của một con người, một con người mãi mãi không bao giờ có thể sống lại.

Dù vậy mình vẫn rất thích trinh thám pháp y, để kết bài viết này, mình giới thiệu với các bạn hai bộ truyện trinh thám pháp y mới rất hay nha:

Vi Tử Giả Đại Ngôn – Tuyết Nhi Cách Cách (đọc giới thiệu tại đây)

Giải Phẫu Sư: Tân Khái Niệm Pháp Y – Vũ Trần (đọc review tại đây)

-TLC-