Thông thường, khi bạn đọc ngôn tình, nam nữ chính nào gần như cũng đẹp trai, xinh gái, nếu ngoại hình không xuất chúng thì cũng rất ưa nhìn, hoặc ít nhất nhìn hoài cũng sẽ đẹp ra như mưa dầm thấm đất vậy.

Nhưng đẹp là bao gồm những thứ gì? Đẹp ở đây là khuôn mặt và cơ thể, tức là một khuôn mặt đẹp trên một cơ thể khỏe khoắn, rắn chắc chuẩn mực.

Nhưng trên thực tế thì mấy ai đạt được tiêu chuẩn trên chứ. Vì để đạt được điều đó, nếu không phải là trời sinh thì cũng là quá trình chăm sóc và rèn luyện cơ thể cùng với ti tỉ thứ cần quan tâm và chú ý. Không hề dễ dàng!

Tại sao, nhân vật ngôn tình, không chỉ nam nữ chính mà ngay cả nhân vật phụ lại luôn được tạo hình đẹp đẽ như vậy?

Theo mình nghĩ thì đơn giản là con người luôn hướng về cái đẹp, trong mỹ học có một khái niệm gọi là “chân -  thiện -  mỹ”, trong đó thì “mỹ” là dễ thấy bằng mắt nhất, dễ dùng những giác quan bên ngoài để cảm thụ nhất, nên nó cũng được xếp ở vị trí thứ nhất trong khía cạnh đánh giá thứ gì đó của con người và nhất là những người có máu me nghệ thuật.

Đương nhiên, nhà văn lại càng không ngoại lệ. Họ là ai cơ chứ? Là những người có tâm hồn dễ rung động và đầy nhạy cảm, họ cảm nhận thế giới ở mức cảm xúc cao hơn người bình thường, họ bị thu hút bởi “chân – thiên – mỹ”, như vậy mới có thể tạo ra những tác phẩm chạm vào tâm khảm người đọc được.

Do đó, đối với họ, tạo ra một nhân vật không chỉ đẹp ở nội tâm mà còn ở ngoại hình là một sự thôi thúc.

Phải chăng việc này trở thành một loại phong trào và được dùng để thu hút độc giả?

Với câu hỏi này thì mình xin trả lời “thế thì đã sao?”

Con người yêu cái đẹp chẳng có gì xấu cả, họ tìm kiếm những thứ ấy trong những tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật cũng chẳng có gì sai.

Thu hút độc giả thì sai ư? Phong trào là xấu ư? Không hề! Vì người ta đâu chỉ đọc và khen một câu chuyện chỉ bởi một yếu tố duy nhất là ngoại hình của nhân vật!

Đối với mình, khi đọc truyện nếu nhân vật có ngoại hình quá bình thường sẽ hiếm khi thu hút được cảm xúc của mình. Việc một nhân vật đẹp khiến mình thích thú hơn nhiều. Nếu hỏi mình thích một cuốn truyện có nội dung hay hay là một cuốn nội dung bình thường nhưng nhân vật nào cũng đẹp, tính cách cũng khá thì đương nhiên mình sẽ chọn cuốn có nội dung hay.

Dù vậy, chẳng phải một cuốn đã có nội dung hay lại kèm thêm nhân vật đẹp từ ngoài vào trong nữa thì sẽ xuất sắc hơn sao? Mình cũng chẳng dại gì mà lại không chọn một cuốn như thế!

Tính tích cực khi tạo ra một thế hệ nhân vật có ngoại hình!

Thực tế thì trong xã hội hiện đại, việc khỏe mạnh thể chất cùng ngoại hình dễ nhìn rất được ưa chuộng, nó còn trở thành một trong những văn hóa ứng xử và giao tiếp của con người.

Ví dụ như việc phụ nữ ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ không ra ngoài nếu không trang điểm, hoặc chỉnh chu ưa nhìn nhất. Họ quan niệm việc bản thân mình đẹp và chỉnh chu trong giao tiếp chính là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương.

Hiện nay cách suy nghĩ này cũng đã du nhập vào khá nhiều quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Trung Quốc…

Một thế hệ nhân vật mới có ngoại hình sẽ khiến nhiều hơn các bạn trẻ tạo lập một lối suy nghĩ quan tâm đến vẻ ngoài và sức khỏe cá nhân. Muốn đẹp trường tồn như các nhân vật trong truyện đương nhiên là phải rèn luyện, chăm sóc bản thân và học hỏi kỹ năng làm đẹp… nếu giới trẻ ai cũng ý thức về quan điểm này một cách chừng mực thì đó hẳn nhiên là một điều tốt rồi.

Việc không hay ở quan điểm sắc đẹp chính là bị ám ảnh bởi chúng. Quan điểm trân trọng bản thân, muốn bản thân đẹp và khỏe mỗi ngày là điều bình thường và đáng hoan nghênh cỗ vũ, nhưng một khi đã ám ảnh về chúng thì sẽ rất dễ phát sinh những việc ngoài ý muốn.

Tóm lại, việc chuộng ngoại hình trong ngôn tình không xấu, xấu là ở những quan điểm lệch lạc cũng như sự bài xích phiến diện của người khác mà thôi.

Nhân bài này, tiện thể PR mấy truyện ngôn tình hay đang đọc luôn nè: Danh Môn Nhất Phẩm Quý Nữ, Làm Nô, Thính Phong, Hắc Hóa Đi Bạn Gái Cũ, Thức Ăn Trong Nồi, Em Trong Chăn, Ánh Dương Ấm Áp. Đương nhiên là nhân vật cũng rất đẹp!

-TLC-